Vụ thảm sát gia đình ở Hà Nội khiến 4 người tử vong đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người bất ngờ khi một phần nguyên nhân dẫn đến vụ án xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai anh em ruột lại từ việc tranh chấp 0,5 m đất giáp ranh. Nhiều ý kiến từ dư luận băn khoăn về “sức nặng” của tình cảm anh em ruột thịt trước giá trị vật chất và cho rằng, 0,5m đất là cái giá quá đắt khi 4 người đã phải thiệt mạng. Tuy nhiên, nguyên nhân vẫn đang được cơ quan công an điều tra.
Dư luận cũng đặt ra câu hỏi, nếu nguyên nhân vụ thảm án xuất phát từ tranh chấp đất đai như trên thì trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi không kịp thời nắm bắt, giải quyết.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trên thực tế không ít những vụ việc tranh chấp đất đai, dân sự không được thụ lý giải quyết đúng đắn, triệt để dẫn đến những vụ án mà đau lòng xảy ra.
“Khi án mạng xảy ra thì đối tượng trực tiếp gây án sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tuy nhiên một số cán bộ thờ ơ, vô cảm, tắc trách dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp lên đến đỉnh điểm thì vẫn “vô can”, không phải chịu trách nhiệm đối với những vụ án này mặc dù họ là nguyên nhân sâu xa, gián tiếp thúc đẩy tranh chấp lên đến đỉnh điểm…”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường nhận định, những tranh chấp dân sự phổ biến là tranh chấp về đất đai, thừa kế, kiện đòi tài sản. Tuy nhiên sự hiểu biết và mức độ nhận thức của đa số người dân nói chung về thủ tục giải quyết những tranh chấp dân sự này còn rất hạn chế, rất nhiều trường hợp người dân không biết phải kiện tụng như thế nào, thủ tục ra sao, ai sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Theo quy định của pháp luật thì những tranh chấp về quyền sử dụng đất bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải ở cơ sở. Nếu vụ việc tranh chấp đã được hòa giải nhưng hòa giải không thành thì các đương sự mới được quyền gửi đơn tới Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện (với đất đai không có giấy tờ) hoặc khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, rất nhiều người dân không biết về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai, khi có tranh chấp, mẫu thuẫn xảy ra thì thường sẽ gửi đơn tới ủy ban nhân dân xã hoặc tới ủy ban nhân dân huyện để được giải quyết hoặc gửi đơn đến tòa án nhưng không đủ điều kiện thụ lý…
Đáng lẽ ra, khi phát hiện được những vụ việc tranh chấp, mẫu thuẫn căng thẳng ở địa phương thì chính quyền địa phương, đơn vị hòa giải cơ sở phải có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, tổ chức hòa giải theo quy định.
Trong trường hợp hòa giải không thành, không có kết quả thì phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có những giải pháp phòng ngừa, đồng thời hướng dẫn các đương sự thủ tục khởi kiện đến tòa án hoặc gửi đơn yêu cầu đến Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện để được giải quyết kịp thời, nhanh chóng theo thẩm quyền, thủ tục luật định.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ cấp cơ sở do trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật hạn chế, ngại va chạm, thậm chí vô cảm, thiếu trách nhiệm dẫn đến việc người dân không biết phải đi đâu, làm gì khi màu thuận, tranh chấp đất đai, tài sản không thể hòa giải được. Thực tế, có những trường hợp cán bộ cấp cơ sở không hướng dẫn thủ tục, không thụ lý giải quyết dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp.
Có nhiều vụ việc sau khi hòa giải cơ sở không thành, các đương sự gửi đơn đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với loại đất đai không có giấy tờ) theo thẩm quyền hoặc khởi kiện đến tòa án nhưng nhiều vụ việc có sự đùn đẩy giữa Toà án và Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện về thẩm quyền giải quyết khiến đương sự phải chạy đi, chạy lại mất nhiều thời gian, có người không đủ kiên nhẫn đã bỏ cuộc và tìm cách giải quyết khác bằng hình thức “tự xử”…!
Giải quyết tranh chấp đất đai, thừa kế là một thủ tục tương đối phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên không phải đương sự nào cũng có đầy đủ giấy tờ, điều kiện để tòa án thụ lý.
Bởi vậy, khâu tiếp nhận đơn thư, thụ lý hồ sơ khởi kiện đòi hỏi trách nhiệm, đạo đức của cán bộ tòa án là rất cao. Biết là vậy nhưng nhiều trường hợp khi người dân gửi đơn thư khởi kiện đến tòa án để được xem xét thụ lý thì bị gây khó khăn, phiền hà, cản trở, đặc biệt là những vụ việc chưa đủ giấy tờ pháp lý hợp lệ thì việc hướng dẫn, yêu cầu bổ sung tài liệu giấy tờ được thực hiện qua loa hoặc là những cơ hội để những cán bộ không có lương tâm, đạo đức sách nhiễu, đòi hỏi phải vòi vĩnh đường sự dẫn đến khó khăn chồng chất trong việc thụ lý vụ án.
Có rất nhiều người dân xách túi đi khiếu kiện nhiều năm, thậm chí hàng chục năm nhưng không được cơ quan nào thụ lý, giải quyết một cách đúng đắn, triệt để. Trong số đó nhiều trường hợp đã hết thời hiệu khiếu nại, hết thời hiệu khởi kiện do hiểu biết, nhận thức của người dân hạn chế và thiếu cái tâm của người cán bộ hướng dẫn thủ tục.
Nhiều người dân cũng đến cửa tòa kêu cứu, gửi đơn thư thiếu kiện nhưng thời gian rất dài mà không được thụ lý. Những hồ sơ, giấy tờ còn thiếu thì người dân không thể thu thập được và cũng không biết thu thập ở đâu, cán bộ hướng dẫn thì qua loa, tắc trách dẫn đến vụ việc không đủ điều kiện để thụ lý không được thụ lý giải quyết khiến mâu thuẫn ngày càng gia tăng, căng thẳng có thể lên đến đỉnh điểm bất cứ lúc nào.
Hiện thời gian gần đây lại xuất hiện thủ tục hòa giải cơ sở trước khi tòa án thụ lý. Khi đương sự gửi đơn khởi kiện tranh chấp dân sự, đất đai, thừa kế, thậm chí khởi kiện vui án hành chính.. thì đơn này sẽ chuyển sang Trung tâm hòa giải tại Toà án để tiếp tục hòa giải tranh chấp nhằm giảm thiểu những vụ việc khiến tòa án phải thụ lý, giải quyết.
Kỳ vọng của Trung tâm hoà giải là có thể hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ bắt đầu mà không cần phải thụ lý, giải quyết bằng một vụ kiện. Ý tưởng thì rất tốt nhưng việc thực hiện đòi hỏi cán bộ phải có năng lực, trình độ, có tâm huyết, trách nhiệm, có kinh nghiệm và kỹ năng tốt thì mới đạt hiệu quả nếu không sẽ phản tác dụng: Thủ tục này sẽ trở thành một rào cản để ngăn cản, cản trở người dân thực hiện quyền khởi kiện, sẽ chỉ làm mâu thuẫn, tranh chấp trở nên căng thẳng, bức xúc khó kiểm soát…
Trong những vụ án mạng đã xảy ra xuất phát từ việc bế tắc trong hướng giải quyết tranh chấp dân sự, trong đó không ít những vụ việc xuất phát từ lỗi của cán bộ có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết các vụ việc tranh chấp dân sự đó.
Việc giải quyết không kịp thời, không triệt để, không khách quan, không công bằng sẽ không giải quyết được mâu thuẫn tranh chấp mà chỉ làm cho mâu thuẫn, tranh chấp đó đi đến đỉnh điểm, xung đột, án mạng có thể xảy ra.
Bởi vậy, theo Luật sư Đặng Văn Cường trong những vụ án mạng, thảm sát xảy ra xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp không được giải quyết kịp thời thì các cơ quan chức năng cũng phải làm rõ nguyên nhân và xem xét trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức hòa giải, giải quyết tranh chấp để phát hiện, xử lý, loại bỏ các cán bộ thiếu lương tâm, trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, giảm thiểu những hệ quả đau lòng đã và đang xảy ra trong xã hội.
Thảm sát gia đình ở Hà Nội là bài học đau lòng.
Theo PV Kiến Thức